Chúng ta đang làm gì với cuộc đời mình

www.saigonnice.com

Hội chứng “những người đào hầm”: Chúng ta đang làm gì với cuộc đời mình?

Trong thế giới hiện đại, hầu hết mọi người đều cho rằng: lười là xấu, lười là một thói quen cần phải loại bỏ. Xã hội ngày nay đã biến chúng ta trở thành những cỗ máy làm việc không ngừng nghỉ. Chúng ta luôn cảm thấy thiếu thời gian, áp lực, căng thẳng và quay cuồng đến ngộp thở. 


🌱 Có bao giờ bạn đặt câu hỏi: Hàng ngày chúng ta quay cuồng trong công việc rốt cuộc để làm gì? Chúng ta liên tục bận rộn có chắc chắn sẽ đem tới thành công? Chúng ta đang làm chủ những gì mình làm hay tất cả là do sức ép, sự lôi kéo và chi phối bên ngoài? 


Nhiều người cho rằng, một người bận rộn chứng tỏ người đó quan trọng và đáng giá. Tuy nhiên, có thật sự như vậy?


Có những người làm việc hơn 16 tiếng/ngày, họ bận rộn từ sáng sớm đến tối khuya. Câu cửa miệng của họ lúc nào cũng là “tôi bận quá!”. Họ không có đủ thời gian dành cho gia đình và bản thân… Họ bỏ lỡ những khoảnh khắc tận hưởng cuộc sống. Cho đến một họ cảm thấy kiệt sức và nhận ra hình như mình là nạn nhân của công việc.


Chúng ta bận rộn chỉ vì chạy theo sự công nhận của xã hội để rồi đánh mất chính mình? Chúng ta mải miết chạy theo một hình mẫu thành công nào đó, với những mục tiêu, kế hoạch để đổi lấy sự căng thẳng, bất an liệu có đáng?


Nhiều nhà tâm lý học gọi cách sống của con người thời hiện đại là hội chứng “những người đào hầm”. Ai cũng đang miệt mài đào chiếc hầm của mình nhưng càng đào càng tối. Chúng ta còn không tự nhận thức được, mình đang làm gì và mọi thứ đi về đâu?


Osho đã từng nói: “Những người hăng hái hành động trong sự vô nhận biết là những người góp phần phá huỷ thế giới nhanh nhất”.


Trong thế giới mọi thứ trở nên quá tải, nhanh, vội như hiện nay, năng lực “không làm gì” trở nên quan trọng không thua kém năng lực “làm gì”. Chúng ta cần nhận biết: đâu là việc quan trọng, đâu là việc dư thừa, không cần thiết để loại bỏ?


“Lười biếng” làm những việc không cần thiết cũng là một loại trí tuệ.


Chúng ta có nên chăm chỉ soi mói đời tư của người khác, ưa thích bàn tán thị phi để tiêu tốn thời gian vào những điều vô ích?


Chúng ta có nên ra sức lao ra bên ngoài để tìm kiếm, đuổi bắt khi bản thân đang căng thẳng, quá tải?


Chúng ta có nên chăm chỉ bới lỗi, lên án, công kích đối phương trong cơn giận để thoả mãn cái tôi?


Chúng ta có nên ra sức để uốn nắn, chỉnh sửa người khác theo ý mình để rồi đổi lấy sự xung đột, mệt nhọc…?


Sự thực là lười biếng hay chăm chỉ cũng chỉ là hai mặt của một vấn đề. Điều cốt lõi là chúng ta cần có sự nhận biết, tỉnh táo để biết lúc nào nên “làm gì” và “không làm gì”?


Chăm chỉ trong sự vô nhận biết đôi khi lại khởi đầu cho mọi sự rắc rối và phá hoại. Ngược lại sự lười biếng thụ động, xuất phát từ sự dễ duôi, yếu đuối, bạc nhược lại là rào cản để trui rèn ý chí, nghị lực và phát triển bản thân.


Điều cốt lõi là chúng ta cần nhận biết, có sự lùi lại quan sát đa chiều, để nhìn nhận đúng như thật về bản chất của sự việc. Từ đó đưa ra được sự quyết định đúng đắn và chính xác trong mỗi tình huống cuộc sống.


Hãy lười và chăm chỉ có nhận biết, chứ không phải hành động hoàn toàn theo thói quen!

Có thể kết luận rằng: Năng lực “không làm gì" quan trọng không kém năng lực “làm gì” 

Thời Thế cập nhật